Chữ ký số trên di động được triển khai mở rộng năm 2019

Hiện thuê bao chữ ký số cá nhân chỉ chiếm 1% tổng chữ ký số được cấp phát và chỉ tập trung ở một số ứng dụng nội bộ. 

Ngày 21/01, lễ ký kết triển khai công nghệ chữ ký số trên nền tảng di động giữa các nhà cung cấp chữ ký số công cộng tại Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia, sau 10 năm triển khai, một trong những kết quả đáng ghi nhận của chữ ký số là góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Trong lĩnh vực thuế, gần 100% doanh nghiệp đã thực hiện các thủ tục qua mạng sử dụng chữ ký số. Tuy nhiên, hiện chữ ký số chủ yếu cung cấp cho doanh nghiệp, trong khi số thuê bao chữ ký số cá nhân rất hạn chế, chỉ chiếm 1% tổng chữ ký số được cấp phát.

“Thúc đẩy ứng dụng chữ ký số cá nhân là một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian tới”, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia, cho biết. “Với người dùng cá nhân, chúng tôi xác định 2019 là năm khai vỡ để vượt qua những phần khó khăn nhất về hành lang pháp lý. Trong quý I/2019, chúng tôi dự kiến hoàn thiện văn bản pháp lý để tạo điều kiện thật sự thuận lợi cho việc triển khai mở rộng chữ ký số trên nền tảng di động”. 

Thị phần của các nhà cung cấp chữ ký số tại Việt Nam. 
Thị phần của các nhà cung cấp chữ ký số tại Việt Nam. 

Nhằm thúc đẩy ứng dụng chữ ký số cá nhân, các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam, gồm FPT CA, Viettel CA, VNPT CA, CA2, Vina CA, EFY CA, Safe CA và Bkav CA đã ký kết hợp tác triển khai công nghệ chữ ký số trên nền tảng di động.

Ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam, nhấn mạnh kế hoạch năm nay là tập trung triển khai chữ ký số cho khách hàng cá nhân sử dụng trên các thiết bị di động. 

Theo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), việc ứng dụng CNTT là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Sau hơn 10 năm triển khai, chữ ký số và chứng thực chữ ký số đã trở thành một trong những dịch vụ CNTT quan trọng và phổ biến, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Nguồn báo điện tử VnExpress